DƯỚI BỆ ĐỠ KINH TẾ VĨ MÔ DÒNG TIỀN SẼ ĐỔ MẠNH VÀO BẤT ĐỘNG SẢN 2021
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là ít trầm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác. Điều này được thể hiện qua việc GDP tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt mức 1,8% - mặc dù đây là mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua.
Dù chịu tác động của dịch bệnh trong nửa đầu năm nhưng nền kinh tế nước ta vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 sẽ có mức tăng trưởng cao thứ 5 thế giới.
Trong trường hợp tình hình dịch bệnh thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 thì mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021. Còn nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.
Sức chịu đựng và khả năng phục hồi tốt của nền kinh tế là yếu tố quan trọng để thúc đẩy dòng tiền đổ vào bất động sản trong thời gian tới.
Thực tế, các dòng vốn đổ vào bất động sản thời gian qua có sự thận trọng nhưng rất tích cực. Đó là nguồn vốn tín dụng, vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn tư nhân, vốn từ phát hành trái phiếu và vốn từ Fintech. Các dòng vốn này sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường bất động sản khi nền kinh tế bước sang giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19.
Theo đó, bên cạnh bất động sản nhà ở thì bất động sản công nghiệp, sau đó là bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là những phân khúc nóng lên và thu hút vốn đầu tư trong thời gian tới, nhất là khi có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang muốn đầu tư vào Việt Nam. Hiện tại, dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Thị trường xuất hiện rất nhiều tín hiệu tích cực như việc ký kết thỏa thuận Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hay các nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh dạn và có niềm tin hơn vào thị trường Việt Nam khi nước ta hiện là điểm sáng đầu tư so với các quốc gia trong khu vực.
Ngoài ra, việc các ngân hàng có động thái giảm lãi suất cho vay mua nhà cũng là một tín hiệu tốt thúc đẩy dòng tiền đầu tư vào bất động sản, tạo cơ hội cho những người có nhu cầu thực mua nhà, hạn chế đầu tư thứ cấp.
Ông Nguyễn Chí Thanh: Hiện nay, dự án được phê duyệt rất ít nên các nhà phát triển dự án đang chuẩn bị tiềm lực tài chính và các điều kiện đầu tư khác, để khi dự án được phê duyệt sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, nguồn tín dụng hiện nay tương đối tốt, lãi suất tăng khá hợp lý, chính vì vậy không có lý do gì để dòng tiền không đổ vào bất động sản. Đó cũng là nguyên nhân khiến thị trường bất động sản có tính cạnh tranh cao. Giá thành có thể sẽ hạ xuống trong thời gian tới. Nhưng sự hạ xuống này tạo nên bước phát triển ổn định hơn. Các nhà đầu tư dài vốn vẫn có thể tìm kiếm cơ hội sinh lời ở các dự án được đầu tư bài bản. Với tình hình hiện tại, hoàn toàn có thể nhìn thị trường bất động sản theo chiều hướng tích cực.
LỰC ĐẨY CHÍNH SÁCH CỦNG CỐ NIỀM TIN CHO THỊ TRƯỜNG
PGS. TS. Doãn Hồng Nhung: Đất đai là yếu tố quan trọng quyết định đến thành bại của dự án bất động sản. Một trong những nguyên nhân khiến các dự án bị đình trệ kéo dài, gây thiếu hụt nguồn cung trên thị trường là do các bất cập chưa được sửa đổi liên quan đến Luật Đất đai 2013.
Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 trong năm 2021 sẽ có ý nghĩa quan trọng, tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản. Nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang kỳ vọng vào các gói hỗ trợ của Chính phủ khi chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, khó khăn chồng khó khăn, thì việc sửa đổi những bất cập, thúc đẩy quá trình chuyển dịch đất đai, biến đất đai thành công cụ tài chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản khởi động và tái khởi động các dự án, tăng nguồn cung cho thị trường lại càng trở nên bức thiết.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ tháo gỡ ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư kinh doanh. Cụ thể, Luật Đầu tư thống nhất thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư” đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất; hoặc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai, bao gồm các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất ở, đất nông nghiệp và các loại đất khác.
Ngoài ra, Luật Đầu tư đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở đối với trường hợp có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở. Điểm đặc biệt của quy định này là khái niệm “đất ở hợp pháp và các loại đất khác” của khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, sẽ đảm bảo sự thống nhất với khái niệm “đất” của Luật Đất đai. Đồng thời, quy định Luật Đầu tư đã sửa đổi điểm a, điểm đ Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường, chỉ yêu cầu có đánh giá sơ bộ tác động môi trường để chấp thuận chủ trương đầu tư; hoặc để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nên sẽ gỡ khó rất nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp.
Các điểm chồng chéo trong chính sách đất đai được tháo gỡ cùng các giải pháp của Chính phủ vừa qua và trong thời gian tới là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng tạo đà khôi phục lại sản xuất kinh doanh.
Với sự tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cơ quan có thẩm quyền, có thể từ quý I/2021 trở đi, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng công khai, minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây.
Bản thân doanh nghiệp bất động sản có thể tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư, hướng tới phân khúc bất động sản có tiềm năng lớn như bất động sản công nghiệp hay nhà ở. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép nhằm đón đầu cho chu kỳ phát triển bất động sản tiếp theo trong vòng 1 - 2 năm tới.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Việc có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19 cũng là một lực đẩy quan trọng giúp thị trường bất động sản bước sang năm 2021 có thể phát triển lành mạnh, bền vững và chất lượng hơn.
Đặc biệt, khi bước vào nhiệm kỳ mới, nhiều dự án sửa đổi luật dự kiến sẽ được hoàn thiện, các vướng mắc về chính sách pháp luật kìm hãm sự phát triển của một vài sản phẩm, một vài phân khúc trên thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ theo hướng cụ thể, chi tiết hơn. Từ đó giúp khơi thông dòng chảy thị trường, các hoạt động kinh doanh, phát triển dự án cũng vì thế mà khởi sắc hơn.
Khi thị trường đã trải qua giai đoạn trầm lắng do những tác động chính sách trước đó và thêm cú bồi dịch bệnh, sự sàng lọc sẽ mạnh mẽ hơn. Tồn tại và vượt qua được giai đoạn khó khăn là những chủ đầu tư thực sự có năng lực (tài chính, kinh nghiệm). Cùng với việc pháp lý được khơi thông, thị trường phát triển minh bạch hơn, niềm tin của các nhà đầu tư đối với bất động sản càng được củng cố. Họ sẽ không lăn tăn nhiều khi bỏ vốn vào bất động sản vì được an tâm về mặt pháp lý, lợi ích giữa người mua và người bán được thể hiện rõ ràng.
Việc xem xét, hoạch định lại các quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới, cũng là một lực đẩy quan trọng, tạo cơ hội cho thị trường bất động sản khi bước vào giai đoạn mới. Bên cạnh đó, định hướng phát triển kinh tế ban đêm với những cơ chế, chính sách cụ thể cũng tạo ra cú hích lớn cho bất động sản.
Đó là những cơ hội có thể nhìn thấy rõ, vì thế chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan tin tưởng rằng bức tranh thị trường bất động sản năm 2021 sẽ có nhiều điểm sáng. Với tình hình chung như vậy, tôi cho rằng đây là thời điểm tốt, nhà đầu tư có thể mua bất động sản để ở hoặc đầu tư dài hạn.