Bất động sản (BĐS) đang trở thành kênh đầu tư được nhiều khách hàng chú trọng khi cơ cấu lại danh mục đầu tư nhờ dư địa phát triển tốt trong năm 2022.
Danh mục đầu tư biến động theo thị trường
Bước vào những ngày cuối cùng của năm 2021, giới đầu tư có loạt động thái cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình để có chiến lược cho năm mới, đặc biệt khi thị trường đang có nhiều yếu tố tác động như lạm phát, biến chủng Omicron…
Cụ thể, BĐS, chứng khoán, vàng, gửi tiết kiệm là 4 kênh đầu tư được nhiều người nhắm đến. Đối với kênh vàng, các chuyên gia nhận định thị trường đang tăng nhẹ bởi nỗi lo “mất giá đồng tiền” và thiếu cơ hội đầu tư. Tuy nhiên với mức giá quá cao so với thế giới (8 - 10 triệu đồng/lượng) có thể khiến giá vàng trong nước khó tăng tiếp. Đây cũng là lý do khiến kênh đầu tư này chỉ nhích nhẹ mà không được đầu tư mạnh dịp cuối năm.
Với kênh gửi tiết kiệm thì những năm gần đây hình thức này kém hấp dẫn hơn hẳn khi lãi suất thấp chỉ từ 6%-7% đối với kỳ hạn gửi trên 1 năm. Theo các chuyên gia đánh giá, trong năm 2022, nếu nhà đầu tư vẫn chưa có nhiều cơ hội rõ rệt thì việc gửi tiết kiệm vẫn là kênh giúp bảo toàn vốn.
Năm 2021 có thể nói là thời điểm “nở hoa” đối với chứng khoán. Tuy nhiên, kênh này đang được xem là tăng trưởng thiếu bền vững, đi ngược nguyên tắc là thị trường chứng khoán chỉ tăng khi nền kinh tế phát triển tích cực. Nhưng khi nền kinh tế vẫn còn ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19 thì chứng khoán vẫn tăng. Do đó mức tăng này không dựa trên nền tảng phát triển kinh tế và doanh nghiệp mà dựa trên dòng tiền đầu cơ ngắn hạn, điều này sẽ tạo nên rủi ro rất lớn đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ khi các “cá mập” tháo chạy.
BĐS trở thành điểm sáng
Nói về bức tranh đầu tư cuối năm, các chuyên gia và nhà đầu tư nhận định BĐS vẫn sẽ là kênh hút dòng tiền đầu tư mạnh với tỷ suất sinh lời cao vì dư địa phát triển vẫn còn nhiều.
Anh Mạnh Tùng (quận 2, TP.HCM) – một nhà đầu tư cho biết anh đang gom hạng mục đầu tư còn 2 kênh chính là chứng khoán và BĐS với tỷ lệ đầu tư là 20%-80%. Anh cho biết, năm 2021 anh đều thắng mạnh ở cả 2 kênh này khi tỷ suất lợi nhuận lên đến hơn 150%. Tuy nhiên, nếu chứng khoán anh vào đợt dịch mạnh là 70% nguồn vốn thì giờ anh rút sang BĐS vì tiềm năng tăng trưởng của thị trường này bền vững hơn.
“Thị trường chứng khoán đang tăng trưởng thiếu nền tảng nên rất có thể tạo ‘bong bóng’. Dù đã thắng trong thị trường này nhưng tôi cần một kênh đầu tư bền vững hơn. Và BĐS luôn là lựa chọn hàng đầu. Vì dù có lạm phát, biến chủng Omicron… thì giá trị qua thời gian vẫn còn và có thể tăng trưởng vượt bậc”, anh Tùng nói.
Chia sẻ về sản phẩm nên đầu tư anh Tùng nhận định, đất nền, nhà phố, shophouse vùng ven pháp lý hoàn chỉnh sẽ là kênh đầu tư an toàn và khả năng tăng lợi nhuận cao. Không chỉ anh Tùng mà nhiều nhà đầu tư đang hướng đến thị trường BĐS với số lượng ngày càng nhiều tại các dự án.
theo Nhà đầu tư.vn